CHỦ NHÀ CÓ ĐƯỢC TỰ Ý DỌN ĐỒ CỦA BÊN THUÊ KHÔNG?

Hỏi: Tôi thuê mặt bằng của ông Y. để kinh doanh cửa hàng ăn uống, thời hạn tới năm 2026. Hai bên có ký hợp đồng. Vừa qua, ông Y muốn lấy lại mặt bằng trong tháng sau để phục vụ cho gia đình ông. Hai bên đang thương lượng và tôi cũng tìm mặt bằng khác để thay đổi cơ sở kinh doanh nhưng chưa tìm được. Vừa qua, ông Y tự ý phá cửa nhà, di dời các tài sản như bến điện, dụng cụ nấu ăn…của tôi ra khỏi quán, bị hư hỏng toàn bộ.

Vậy ông Y có phải bồi thường cho tài sản của tôi đã bị hư hỏng hay không?

Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN giải đáp thắc mắc như sau:

Hợp đồng thuê mặt bằng được ký kết giữa hai bên vẫn đang còn hiệu lực và như vậy hai bên vẫn phải chịu sự ràng buộc của các thỏa thuận đã giao kết. Việc ông Y muốn lấy lại mặt bằng và hai bên vẫn đang trong quá trình thương lượng, chưa phải là sự kiện làm chấm dứt hợp đồng thuê.

Đối với tài sản của bạn tại mặt bằng thuê, ông Y không được tự ý di dời hay làm hư hỏng các tài sản này. Đối với các tài sản hư hỏng, bạn có quyền thống kê thiệt hại và yêu cầu ông Y phải bồi thường thiệt hại.

Tự ý di dời tài sản của người khác dẫn đến hư hỏng có thể phải bồi thường thiệt hại

Trường hợp ông Y không tự nguyện bồi thường khi nhận được yêu cầu, bạn cũng có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Trường hợp xác định ông Y cố ý phá hoại tài sản, bạn có quyền yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền khởi tố vụ án do có dấu hiệu của Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

  1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu cần tư vấn cụ thể hơn, xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN & TRẦN

Địa chỉ: 294C3, Bạch Đằng, Phường 14, quận Bạch Đằng, Tp.HCM

Số điện thoại: 08354 08354

Website: https://vplsnguyentran.com/

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *