NHÃN HIỆU VÀ TÊN THƯƠNG MẠI: KHI BẦU, BÍ CHUNG MỘT GIÀN

Bài viết đăng lần đầu trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 12/9/2024.

Nhãn hiệu và tên thương mại là hai đối tượng quyền sở hữu trí tuệ phổ biến trong hoạt động kinh doanh. Chúng phục vụ các mục đích khác nhau, cũng như có phạm vi bảo độ khác nhau. Song trong một vài trường hợp sự khác biệt này có thể không rõ ràng, và từ đó, tạo nên các hiểu nhầm và gây ra tranh chấp. Không ít trường hợp một doanh nghiệp bị kiện vì lý do tên công ty của họ tương tự với một nhãn hiệu của một doanh nghiệp khác.

Thế nào là bầu, thế nào là bí?

Tương tự như các nghệ sĩ thường lấy cho mình những nghệ danh để dùng trong hoạt động biểu diễn, tên thương mại có thể được hiểu như là tên gọi mà một thương nhân (cá nhân hoặc doanh nghiệp) dùng trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ như ông A có tên khai sinh là Nguyễn Văn A, nhưng khi mở một quán ăn ông chọn tên “A Ký Mì Gia” để gọi quán của mình. Đây chính là tên thương mại của ông, dùng để xác định quán mì hay hộ kinh doanh của ông.

Đối với doanh nghiệp, thông thường, tên gọi theo giấy phép đăng ký kinh doanh cũng chính là tên thương mại của doanh nghiệp. Nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp sử dụng một tên gọi khác trong quá trình kinh doanh. Ví dụ như Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Trà Cà Phê VN thường dùng tên The Coffee House để nói về chính mình khi thực hiện các chiến lược quảng bá và truyền thông.

Là một tên gọi, tên thương mại cũng có mục đích chính là cá biệt hóa thương nhân. Nhưng khác với các tên gọi khác, chỉ tên gọi nào được thương nhân sử dụng trong hoạt động kinh doanh của mình mới trở thành tên thương mại. Như vậy tên của một trường học, tên của một trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận hay tên một bệnh viện công sẽ không thuộc về phạm trù tên thương mại.

Trong khi đó, nhãn hiệu lại là các dấu hiệu dùng để nhận biết sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ). Hãy thử hình dung, khi đứng trước một kệ đầy ắp các sản phẩm về trà trong siêu thị, nếu không có nhãn hiệu (và phần nào là cả bao bì) thì làm sao người tiêu dùng có thể biết đâu là loại sản phẩm mình đang tìm hay phân biệt chúng trong vô vàn sản phẩm cùng loại? Đó chính là chức năng của nhãn hiệu: nó phân biệt và cho biết một sản phẩm cụ thể đến từ đâu trong số hằng hà các sản phẩm cùng loại.

Bầu, bí khác nhau

Về bản chất, tên thương mại và nhãn hiệu có mục đích khác nhau: cái trước dùng để phân biệt thương nhân, còn cái sau để phân biệt sản phẩm. Tương ứng với đó là các điều kiện xác lập và phạm vi bảo hộ khác nhau, ví như:

Về điều kiện xác lập: Quyền đối với một nhãn hiệu chủ yếu phát sinh trên cơ sở đăng ký (nghĩa là khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu), còn quyền đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp trong hoạt động thương mại. Nói cách khác, việc tên thương mại được bảo hộ sẽ không kéo theo sự bảo hộ đối với nhãn hiệu, và ngược lại.

Về hình thức nhận biết: Có mục đích chính yếu là để phân biệt sản phẩm, do đó nhãn hiệu có thể là bất kỳ dấu hiệu nào miễn là chúng có khả năng phân biệt: đó có thể là một từ ngữ (như cà phê “Trung Nguyên”), một hình ảnh, một logo hay thậm chí là một đoạn âm thanh (như đoạn nhạc lúc điện thoại Nokia được mở nguồn). Ngược lại, tên thương mại lại là một tên gọi, do đó buộc phải đọc được và thể hiện được dưới dạng ký tự, còn vấn đề hình ảnh thể hiện tên gọi như thế nào (font chữ, kiểu chữ, có cách điệu hay không) là không liên quan và không được bảo hộ.

Về phạm vi bảo hộ: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để nhận biết sản phẩm. Như vậy, nhãn hiệu trước hết phải gắn liền với một danh mục hàng hóa, dịch vụ cụ thể – những thứ cần sử dụng nhãn hiệu để có thể phân biệt với những sản phẩm cùng loại. Ví dụ, nhãn hiệu “HAPASS” được đăng ký với các hàng hóa là dược phẩm, còn nhãn hiệu “VINAMILK” thì gắn liền với các sữa và các sản phẩm từ sữa. Còn đối với tên thương mại thì phạm vi bảo hộ lại phụ thuộc vào lĩnh vực mà doanh nghiệp kinh doanh. Ví như tên gọi “A Ký Mì Gia” hiển nhiên chỉ giới hạn ở phạm vi kinh doanh thực phẩm, hay tên thương mại HÒA PHÁT lại giới hạn trong lĩnh vực sản xuất thép. 

Về giới hạn địa lý: Việc bảo hộ tên thương mại chỉ giới hạn ở khu vực kinh doanh của doanh nghiệp, là nơi mà doanh nghiệp có bạn hàng, khách hàng hoặc danh tiếng. Trong khi đó, phạm vi bảo hộ nhãn hiệu là toàn quốc.

Khác giống nhưng có lúc lại chung một giàn

Trong thực tế, việc phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu đôi lúc trở nên phức tạp khi doanh nghiệp sử dụng chính tên thương mại làm nhãn hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của mình. Ví dụ như Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã dùng chính tên “Hòa Phát” làm nhãn hiệu. Giờ đây, cũng là những từ ngữ đó nhưng nó đã mang trên mình hai thân phận pháp lý khác nhau: khi thì đóng vai trò là nhãn hiệu giúp phân biệt hàng hóa, dịch vụ; khi thì tên thương mại dùng để phân biệt với các chủ thể kinh doanh khác trên thương trường.

Việc sử dụng tên thương mại làm nhãn hiệu như trên, đôi khi làm doanh nghiệp nhầm lẫn giữa các đối tượng và có thể dẫn đến tranh chấp giữa một bên sở hữu tên thương mại và một bên sở hữu nhãn hiệu.

Có doanh nghiệp từng nghĩ rằng việc tên doanh nghiệp của họ đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là đủ an toàn để họ có thể sử dụng tên này dưới dạng một nhãn hiệu trên hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí, trong một vụ việc, khi vừa bị phát hiện xâm phạm nhãn hiệu, một doanh nghiệp đã nhanh chóng đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp giống với nhãn hiệu đang sử dụng và cho rằng mình chỉ sử dụng tên thương mại[1].

Thực tế cho thấy không chỉ doanh nghiệp mà đôi khi ngay cả Tòa án cũng có thể bị nhầm lẫn. Tại một bản án, Tòa án nhận định “tên thương mại là logo của Công ty F có thành phần, kiểu dáng, kích thước, hình ảnh không trùng cũng như không gây nhầm lẫn với tên Công ty M”.[2] Như đã trình bày, tên thương mại là tên gọi của doanh nghiệp và chắc chắn không thể là logo như nhận định của Tòa án. Việc doanh nghiệp dùng logo có thể hiện tên thương mại (hình ảnh của chữ viết cách điệu tên thương mại) có thể đã làm Tòa án đưa ra nhận định nhầm lẫn này.

Bên nào nặng hơn: bầu hay là bí?

Về cơ bản, pháp luật không ưu tiên bảo hộ cho một đối tượng nào mà tôn trọng nguyên tắc quyền được xác lập trước.

Vụ việc Công ty Cổ phần Phúc Sinh kiện Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Phúc Sinh, là một tranh chấp minh họa điển hình. Trong vụ việc này, nguyên đơn cho rằng tên thương mại của bị đơn xâm phạm quyền đối với tên thương mại và nhãn hiệu của mình. Theo Tòa án, vì nguyên đơn sử dụng hợp pháp tên thương mại trước bị đơn, cũng như đã sở hữu nhãn hiệu hợp pháp (thông qua việc đã được cấp giấy chứng nhận), nên Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thay đổi tên doanh nghiệp để không còn chứa tên riêng “Phúc Sinh” hay “PHÚC SINH”, “PHUCSINH”.

Có thể thấy, pháp luật theo hướng tôn trọng quyền đã được xác lập trước và đã có những quy định cụ thể để xử lý các trường hợp có khả năng dẫn đến xung đột. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần hiểu rõ và xác định chính xác các tài sản trí tuệ mà mình đang sở hữu hoặc muốn sở hữu. Việc này giúp doanh nghiệp xây dựng các chiến lược phù hợp để xác lập và bảo vệ các tài sản trí tuệ một cách hiệu quả, đồng thời tránh xâm phạm quyền của người khác.

KHUYẾN NGHỊ CHO DOANH NGHIỆP

Nhãn hiệu và tên thương mại là hai đối tượng quyền khác nhau dưới góc độ pháp lý. Nhưng suy cho cùng, đây đều là tài sản vô hình trong doanh nghiệp, mà đằng sau đó là các giá trị mà doanh nghiệp dày công vun đắp. Chính vì vậy, để ngăn ngừa các rắc rối pháp lý mà có thể dẫn dến tranh chấp, doanh nghiệp cần chủ động ngăn ngừa hơn là xử lý các vấn đề pháp lý khi phát sinh.

Thứ nhất, tìm hiểu và xác định đúng các đối tượng

Hiểu rõ sự khác biệt giữa tên thương mại và nhãn hiệu là rất quan trọng vì tương ứng với mỗi loại tài sản trí tuệ sẽ có các cơ chế xác lập và bảo vệ riêng biệt. Hiểu được sự khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp quản lý và bảo vệ các tài sản trí tuệ của mình một cách phù hợp và hiệu quả hơn, cũng như góp phần phòng tránh các tranh chấp và rủi ro pháp lý.

Thứ hai, tra cứu và đánh giá khả năng xung đột, gây nhầm lẫn

Hiện nay, đối với tên doanh nghiệp, tên thương mại, doanh nghiệp có thể tra cứu phần nào bằng hệ thống của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Còn để tra cứu nhãn hiệu, có nhiều hệ thống dữ liệu mà doanh nghiệp có thể tiếp cận và tự mình thực hiện việc tra cứu, như: Công báo sở hữu công nghiệp, Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, Thư viện số về sở hữu công nghiệp. Từ kết quả tra cứu, doanh nghiệp có thể sàng lọc sơ bộ và loại trừ các nhãn hiệu bị trùng, tương tự hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Tuy nhiên, để nhận được đánh giá chuyên sâu hơn, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý hoặc từ các đại diện sở hữu công nghiệp.

Thứ ba, xác lập quyền sớm nhất có thể

Trước khi đưa hàng hóa, dịch vụ ra thị trường, doanh nghiệp nên sớm chọn được nhãn hiệu phù hợp và đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện nay, với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, hiểu nôm na là ai nộp đơn trước mà đủ điều kiện sẽ được cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn sau có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn sẽ bị từ chối. Việc đăng ký nhãn hiệu sớm còn đem lại nhiều giá trị tích cực khác như hỗ trợ truyền thông, trong việc bảo vệ và thực thi quyền.

Đối với tên thương mại – vốn được bảo hộ trên cơ sở sử dụng hợp pháp. Vì vậy, việc lưu giữ các chứng cứ sử dụng tên thương mại là vô cùng quan trọng, như các hợp đồng, biểu mẫu, biển hiệu, sự kiện có sử dụng tên thương mại. Phạm vi bảo hộ của tên thương mại sẽ gắn liền với khu vực và lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, việc tính toán chiến lược kinh doanh cũng như mở rộng khu vực kinh doanh phù hợp cũng sẽ góp phần mở rộng phạm vi bảo hộ của tên thương mại.

Ngoài ra, khi sử dụng tên thương mại dưới dạng một nhãn hiệu, doanh nghiệp cũng nên đồng thời đăng ký nhãn hiệu nhằm tăng cường sự bảo vệ và ngăn ngừa các tranh chấp phát sinh trong tương lai.

Thứ tư, thường xuyên theo dõi và cập nhật tình trạng tài sản trí tuệ

Trong quá trình kinh doanh của mình, doanh nghiệp có thể mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới. Trong khi đó, quyền đối với nhãn hiệu chỉ đi kèm với danh mục hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký. Vì vậy, đi kèm với việc mở rộng danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh, thì doanh nghiệp cũng cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu bổ sung cho các hàng hóa, dịch vụ tương ứng.

Ngoài ra, việc bảo hộ nhãn hiệu có thời hạn (theo quy định là 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký). Để duy trì quyền độc quyền đối với nhãn hiệu, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục gia hạn đúng hạn. Nếu không thực hiện, nhãn hiệu có thể bị mất hiệu lực.

Nguyễn Ngô Thành Danh – Nguyễn Thái Hải Lâm

Chú thích:

[1] Bản án sơ thẩm số 17/2019/KDTM-ST ngày 31/5/2019 của Tòa án nhân dân TP.Hà Nội.

[2]Bản án phúc thẩm số 12/2022/KDTM-PT ngày 28/02/2022 của Tòa án nhân dân TP.HCM.

Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm, không nhất thiết phải đại diện cho Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN. Theo đó, chúng tôi không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên trực tiếp liên hệ tác giả hoặc tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *