Khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Dịch Covid – 19 thì có khả năng phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động nhằm giảm tải áp lực trả lương. Một trong những giải pháp mà NSDLĐ có thể thực hiện là cho người lao động (NLĐ) ngừng việc. Trong trường hợp này, pháp luật quy định NSDLĐ phải trả lương ngừng việc cho NLĐ [1].
Mức lương ngừng việc là bao nhiêu?
Khi ngừng việc vì Dịch Covid – 19, NSDLĐ và NLĐ phải thỏa thuận về mức lương ngừng việc. Như vậy, mức lương ngừng việc sẽ do sự thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, có sự khác biệt nếu thời gian ngừng việc dưới 14 ngày và sau khoảng thời gian này, cụ thể:
Đối với trường hợp ngừng việc dưới 14 ngày, tiền lương ngừng việc sẽ do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Như vậy, trên nền tảng là sự thỏa thuận, NSDLĐ có thể cân nhắc quỹ lương để thỏa thuận về mức lương ngừng việc với NLĐ. Trong trường hợp hai bên không đạt được sự đồng thuận thì mức lương tối thiểu sẽ làm căn cứ để NSDLĐ trả lương ngừng việc cho NLĐ.
Lưu ý: Mức lương tối thiểu được dùng làm căn cứ để trả lương ngừng việc cho khoảng thời gian 14 ngày chứ đây không phải là số tiền mà NLĐ được nhận trong 14 ngày ngừng việc.
Ví dụ: Nếu không đạt được thỏa thuận, NLĐ tại vùng I có mức lương tối thiểu (4.420.000 đồng), mỗi tháng làm việc 26 ngày thì mức lương ngừng việc trong 14 ngày sẽ là:
(4.420.000 đồng/26 ngày) x 14 ngày = 2.380.000 đồng.
Trường hợp ngừng việc trên 14 ngày, vẫn trên nền tảng là sự thỏa thuận giữa NSDLĐ với NLĐ. Tuy nhiên, pháp luật lao động không đặt ra bất kỳ giới hạn nào như khoảng thời gian trước đó đối với thời gian ngừng việc từ ngày thứ 15 trở đi. Có thể hiểu, trong khoảng thời gian này (từ ngày ngừng việc thứ 15 trở đi), nếu hai bên thỏa thuận không thành, NSDLĐ có thể đưa ra mức lương ngừng việc theo khả năng của mình để trả cho NLĐ.
Xuất phát từ việc pháp luật không đặt ra giới hạn của mức lương ngừng việc sau 14 ngày nên có ý kiến cho rằng NSDLĐ có thể thỏa thuận 0 đồng, tức không trả lương ngừng việc sau 14 ngày. Tuy nhiên, ý kiến này là chưa thuyết phục bởi pháp luật đã quy định là hai bên phải thỏa thuận về việc trả lương, tức NSDLĐ phải trả cho NLĐ một khoản tiền, không phụ thuộc số tiền này ít hay nhiều.
Trường hợp mà NSDLĐ thuyết phục và NLĐ đồng ý không nhận lương sau 14 ngày thì đây là thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương [2]. Nếu NLĐ không đồng ý thì NSDLĐ vẫn phải trả lương ngừng việc cho NLĐ. Tuy nhiên, mức lương ngừng việc sau 14 ngày không có giới hạn nên NSDLĐ được chủ động đưa ra mức lương ngừng việc để thỏa thuận với NLĐ. Trường hợp NLĐ không đồng ý thì đây cũng là mức lương ngừng việc mà NSDLĐ trả cho NLĐ. Vì vậy, đối với khoảng thời gian ngừng việc sau từ ngày thứ 15 trở đi thì luật vẫn tiếp cận theo hướng “thỏa thuận” nhưng thực chất NSDLĐ dường như được đơn phương quyết định mức lương ngừng việc trong khoảng thời gian này.
Thỏa thuận như thế nào?
Pháp luật không quy định cụ thể hình thức khi thỏa thuận lương ngừng việc nên có thể hiểu việc này được thực hiện bằng lời nói, hành vi hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ tranh chấp pháp lý, thỏa thuận nên được ghi nhận bằng văn bản. Bên cạnh đó, đây cũng là căn cứ để NSDLĐ hoặc NLĐ bổ sung hồ sơ nhận các trợ cấp khác của Chính phủ.
Pháp luật quy định khi ngừng việc do dịch bệnh nguy hiểm, NSDLĐ phải thỏa thuận với từng NLĐ về mức lương ngừng việc. Tuy nhiên, nếu NSDLĐ có nhiều NLĐ mà phải thỏa thuận với từng trường hợp thì sẽ gặp khó khăn đáng kể, trong nhiều trường hợp việc này là bất khả thi.
Để tuân thủ đúng quy định pháp luật, NSĐLD nên có sự thống nhất trước với tổ chức đại diện NLĐ về việc trả lương ngừng việc, chuẩn bị sẵn các biểu mẫu thỏa thuận để NLĐ ký. Đối với các trường hợp NLĐ không đồng ý, NSDLĐ có thể cân nhắc sử dụng các biện pháp khác mà tác giả từng trình bày trong các bài viết trước.
Trân trọng,
Sài Gòn, 21/8/2021
Nguyễn Thái Hải Lâm
Chú thích:
[1] Điều 99.3 Bộ luật Lao động 2019.
[2] Điều 115.3 Bộ luật Lao động 2019.
Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm, không nhất thiết phải đại diện cho Văn phòng Luật sư Nguyễn & Trần. Theo đó, chúng tôi không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.