Bài viết được đăng tải lần đầu trên Tạp chí điện tử Nhà Quản trị – TheLEADER vào ngày 25/5/2023.
Cách đây vài tháng, ông Dương Thành Long – một người khởi nghiệp ở tuổi xế chiều với cà phê muối đã thu hút nhiều quan tâm từ cộng đồng. Từ xe cà phê muối đầu tiên bên lề đường Cộng Hòa (TP.HCM), ông đã xây dựng cho mình hàng loạt điểm bán với hệ nhận diện là “cà phê muối Chú Long”. Hệ nhận diện này nhanh chóng được nhiều người đón nhận và lan truyền trên mạng xã hội. Thành quả ban đầu của “cà phê muối chú Long” làm một số người nảy sinh ý định sử dụng hệ nhận diện này để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Gần đây, một đoạn clip trên mạng xã hội TikTok cho thấy ông Long phải xuống Đồng Tháp và đề nghị chủ một xe cà phê không sử dụng nhãn hiệu “chú Long” cũng như các chỉ dẫn thương mại có liên quan vì có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chưa biết lời đề nghị này có được chấp nhận hay không nhưng cũng cho thấy việc bảo vệ các chỉ dẫn thương mại nói chung, xác lập quyền đối với nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh nói riêng là vô cùng quan trọng.
Đăng ký nhãn hiệu chỉ là bước đầu của quá trình bảo hộ nhãn hiệu
Trừ nhãn hiệu nổi tiếng có cơ chế bảo hộ riêng, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu phát sinh trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cơ quan Nhà nước theo thủ tục đăng ký[1]. Điều đó nghĩa là, một nhãn hiệu muốn được bảo hộ của pháp luật phải nộp đơn đăng ký, trải qua quá trình thẩm định và được Cơ quan Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ khi đủ điều kiện.
Kể từ khi được cấp văn bằng bảo hộ thì một tổ chức, cá nhân được công nhận là chủ sở hữu nhãn hiệu và thực hiện các quyền mà pháp luật cho phép, trong đó có việc ngăn cấm người khác thực hiện các hành vi xâm phạm quyền. Như vậy, nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chỉ là bước đầu tiên của quá trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu.
Theo thông tin từ phần bình luận trong clip nêu trên, tài khoản“Cà phê muối chú Long” – được cho là của ông Long cho biết đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vào tháng 3/2023. Chưa rõ nhãn hiệu cụ thể mà ông Long đăng ký là gì nhưng với quy trình hiện nay, thời hạn để được cấp văn bằng bảo hộ nếu đáp ứng đủ điều kiện là khoảng 12 tháng, kể từ ngày nộp đơn hợp lệ. Trên thực tế, thời hạn này có thể kéo dài lên tới 18 tháng hoặc lâu hơn vì nhiều lý do khác nhau.
Như đã phân tích, việc nộp đơn đăng ký chỉ là bước khởi đầu để một nhãn hiệu được bảo hộ. Trong trường hợp ông Long mới nộp đơn đăng ký vào tháng 3/2023 như đã nêu thì nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ và điều đó đồng nghĩa, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chưa phát sinh. Vì vậy, để buộc chủ thể khác chấm dứt hành vi sử dụng nhãn hiệu khi chưa có văn bằng bảo hộ là không dễ thực hiện.
Nên đăng ký nhãn hiệu khi nào?
Với quy định bảo hộ dựa trên quyết định cấp văn bằng của Cơ quan Nhà nước, cũng như thời hạn thẩm định kéo dài nhiều tháng, một nhãn hiệu cần được đăng ký càng sớm càng tốt. Việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu sớm còn nhằm phù hợp với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.
Với nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, hiểu nôm na là trong số các đơn đăng ký nhãn hiệu trùng, tương tự nhau hoặc có thể gây nhầm lẫn với nhau mà cùng đủ điều kiện bảo hộ thì người nào nộp đơn đăng ký trước sẽ được Cơ quan Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ. Nhãn hiệu của người nộp đơn đăng ký sau trong trường hợp này sẽ bị từ chối.
Trên thực tế, phần lớn thương nhân đăng ký nhãn hiệu sau khi đã sử dụng nhãn hiệu trước đó, thậm chí có chút uy tín thì mới nghĩ đến chuyện đăng ký nhãn hiệu. Như trường hợp “cà phê muối chú Long”, dù đã sớm nghĩ đến chuyện đăng ký nhãn hiệu nhưng chỉ thực hiện sau khi đã thu hút được một lượng khách hàng nhất định. Trong thời gian thẩm định, quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chưa phát sinh. Do vậy, có một “khoảng trống” nhất định về mặt thời gian để thương nhân bảo vệ nhãn hiệu của mình.
Để san bằng hay rút ngắn khoảng trống này, thương nhân nên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trước khi tiến hành các hoạt động kinh doanh, lý tưởng nhất là khi đã “chốt” được nhãn hiệu sẽ sử dụng trong hoạt động kinh doanh.
Khi nhãn hiệu đã tạo dựng được uy tín nhất định với người tiêu dùng thì cũng có thể là thời điểm người khác phát sinh động cơ xâm phạm quyền. Khi động cơ này chuyển thành hành động, thương nhân có thể sử dụng văn bằng bảo hộ đã được cấp để bảo vệ nhãn hiệu của mình.
Trong trường hợp thương nhân chưa được cấp văn bằng bảo hộ, việc đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cũng tạo ưu thế nhất định để thương lượng với bên có hành vi sử dụng nhãn hiệu, bằng cách đề nghị hợp tác cùng phát triển hoặc phải chấm dứt hành vi sau khi văn bằng được cấp. Bên cạnh đó, thương nhân cũng có thể sử dụng thông tin đăng ký nhãn hiệu trong hoạt động truyền thông để người tiêu dùng nhận diện trong thời gian chờ văn bằng bảo hộ được cấp.
Nhìn chung, để tránh rơi vào các tình huống phức tạp, yên tâm trong hoạt động kinh doanh, thương nhân nên chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Song song với quá trình này, thương nhân nên cân nhắc xem xét bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác có thủ tục đơn giản và thời gian đăng ký ngắn hơn.
Ngoài các chiến lược về mặt pháp lý, thương nhân có thể kết hợp các giải pháp về truyền thông, biện pháp quản trị để bồi tụ giá trị của nhãn hiệu. Qua đó, thương nhân vừa bảo vệ được nhãn hiệu, đồng thời cũng tạo được sợi dây liên kết giữa người tiêu dùng với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu để đóng góp vào hiệu quả của hoạt động kinh doanh nói chung.
Sài Gòn, ngày 25/5/2023
Luật sư Nguyễn Thái Hải Lâm
Chú thích:
[1] Điều 6.3a Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Lưu ý: Những thông tin đăng tải trên website này thể hiện quan điểm của tác giả về vấn đề được quan tâm, không nhất thiết phải đại diện cho Văn phòng Luật sư Nguyễn & Trần. Theo đó, chúng tôi không nhằm mục đích cung cấp nội dung tư vấn hay dịch vụ pháp lý thông qua các bài viết này. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật có thể thay đổi cũng như tính chất của các vụ việc là rất khác nhau nên trước khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành động nào, quý vị nên tham vấn ý kiến từ đội ngũ pháp lý của mình.