LÃNH HẢI LÀ GÌ? TÀU NƯỚC NGOÀI CÓ ĐƯỢC ĐI QUA LÃNH HẢI KHÔNG?

HỎI: Năm 2021, các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Vậy, lãnh hải là gì? Tàu nước ngoài có quyền đi qua không gây hại tại lãnh hải?

Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN giải đáp thắc mắc như sau:

Theo Điều 11 Luật Biển Việt Nam 2012, lãnh hải là một bộ phận của vùng biển Việt Nam, là vùng biển nằm giữa vùng nội thủy và các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý (tương đương 22,22km) tính từ đường cơ sở ra phía biển

Tại Điều 8 Luật Biển Việt Nam cũng quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Khi đó, ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

Công ước Luật Biển năm 1982 quy định Lãnh hải có chế độ pháp lý tương tự như lãnh thổ trên đất liền. Nghĩa là, quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ đối với lãnh hải, được hiểu là vùng trời, vùng nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. Tuy nhiên, chủ quyền dành cho quốc gia ven biển đối với lãnh hải không phải là tuyệt đối, vì tầu thuyền các nước khác được phép “Đi qua không gây hại” trong lãnh hải. 

Qua tìm hiểu, Văn phòng Luật sư Nguyễn & Trần nhận thấy pháp luật Việt Nam quy định về quy chế pháp lý tại lãnh hải như sau:

– Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

– Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

– Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.

Công ước Luật Biển 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012 quy định: Đi qua không gây hại tại lãnh hải là các quốc gia khác có quyền đi ngang qua lãnh hải của quốc gia ven biển mà không vào nội thuỷ, không đậu lại tại các công trình cảng hay một vũng tàu ở bên ngoài nội thủy; đi vào hoặc rời khỏi nội thủy, đậu lại hay rời khỏi một vũng tàu hay một công trình cảng ở ngoài nội thuỷ. Việc đi qua này phải được tiến hành liên tục, nhanh chóng. Các tàu thuyền nước ngoài chỉ có thể dừng lại và thả neo khi gặp những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng, hay mắc nạn, hoặc vì mục đích cứu giúp người hay tàu thuyền, phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc nạn. Sau khi các sự biến trên kết thúc, tàu thuyền nước ngoài phải tiếp tục hành trình liên tục và nhanh chóng.

Như vậy, Văn phòng Luật sư Nguyễn & Trần cho rằng việc tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam không được xem là quyền đi qua không gây hại bởi việc đi qua không được tiến hành liên tục và nhanh chóng. Việt Nam ghi nhận tàu của Trung Quốc có hành vi neo đậu nhiều ngày và không có dấu hiệu tiếp tục di chuyển. Bên cạnh đó, không có bất cứ dấu hiệu nào về việc xảy ra những sự cố về hàng hải hoặc các sự kiện bất khả kháng liên quan. Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Nếu cần tư vấn cụ thể hơn, xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN & TRẦN

Địa chỉ: 294C3, Bạch Đằng, Phường 14, quận Bạch Đằng, Tp.HCM

Số điện thoại: 08354 08354

Website: https://vplsnguyentran.com/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *