NHÃN HIỆU ÂM THANH, NHÃN HIỆU MÙI

Âm thanh, mùi hương có thể được bảo hộ nhãn hiệu không?

Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN giải đáp thắc mắc như sau:

Nhãn hiệu âm thanh là nhãn hiệu được tạo ra từ các dấu hiệu là âm hưởng, nhận biết bằng thính giác, có thể do tổ hợp các đơn âm hoặc thang âm cấu thành, dùng để phân biệt nguồn gốc thương mại của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Một số nhãn hiệu âm thanh đã được bảo hộ và sử dụng rộng rãi như tiếng gầm của sư tử cho dịch vụ giải trí truyền hình của hãng MGM (Mỹ), tiếng chuông điện thoại mặc định của hãng NOKIA (Phần Lan),…

Vậy ở Việt Nam, nhãn hiệu âm thanh có được bảo hộ không?

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:

Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;
  2. Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Như vậy, theo quy định thì nhãn hiệu âm thanh được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa là gì?

Theo nghiên cứu, quy định về khả năng thể hiện bằng đồ họa có thể hiểu như sau:

Nếu dấu hiệu âm thanh chỉ bao gồm âm nhạc, âm thanh phải được thể hiện qua các phím đàn, nốt nhạc và các ký hiệu âm nhạc khác thể hiện được độ cao và độ dài của các nốt trong một khuông nhạc.

Nếu dấu hiệu âm thanh không phải là âm nhạc thì biểu diễn đồ họa là hình ảnh sóng siêu âm kết hợp với dữ liệu âm thanh.

Nhãn hiệu mùi là một loại nhãn hiệu được nhận biết bằng khứu giác. Dấu hiệu mùi hương được đánh giá là có khả năng phân biệt tốt nhất trong các loại nhãn hiệu vì nó có thể tác động được tới hầu hết người tiêu dùng, ngay cả với người khiếm thị (không nhận tác động bởi nhãn hiệu hữu hình) và người khiếm thính (không tác động được bằng nhãn hiệu âm thanh).

Trong hiệp định về các khía cạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS/WTO) quy định “bất kỳ một dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa”.

Như vậy, quy định này không loại trừ khả năng bảo hộ các dấu hiệu không nhận biết bằng thị giác làm nhãn hiệu. Pháp luật các nước có bảo hộ loại nhãn hiệu mùi không có sự hạn chế hay liệt kê các loại mùi nào có thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mà sẽ đánh giá dựa trên từng đối tượng mùi cụ thể.

Nhãn hiệu mùi hương lần đầu tiên được biết đến tại Mỹ vào năm 1990 với các đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu  mùi quả mâm xôi cho nhiên liệu động cơ (Công ty Myles Limited), mùi bạc hà của miếng dán giảm đau (Công ty Hitsamitsu), mùi kẹo cao su của sản phẩm giày dép (Công ty Grendene S.A), mùi cherry, mùi nho và mùi dâu tây cho dầu nhờn xe (Công ty DBA Manhattan Oil).

Nhãn hiệu mùi được chính thức thừa nhận bảo hộ trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Pháp luật Việt Nam hiện hành mới chỉ có cơ chế bảo hộ đối với các nhãn hiệu nhìn thấy, nghe thấy được chứ chưa có quy định hay văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nào về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi. Mặc dù Việt Nam đã có các cam kết về bảo hộ nhãn hiệu. Chính vì vậy, để đảm bảo sự cam kết khi là thành viên của Hiệp định CPTPP nói riêng và sự thống nhất với pháp luật quốc tế nói chung, Việt Nam cần phải kịp thời có những nghiên cứu và đề xuất giải pháp sửa đổi khắc phục những hạn chế của Luật Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là pháp luật sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sao cho phù hợp.

Nếu cần tư vấn cụ thể hơn, xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ NGUYỄN & TRẦN

Địa chỉ: 294C3, Bạch Đằng, Phường 14, quận Bạch Đằng, Tp.HCM

Số điện thoại: 08354 08354

Website: https://vplsnguyentran.com/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *